Hiện tượng kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong khoang lái.
Tại Việt Nam, các tài xế thường gặp phải hiện tượng này khi lái xe trong trời mưa hay đi qua những khu vực thời tiết lạnh, độ ẩm cao... Nhiệt độ bên ngoài thấp hơn nhiệt độ trong khoang nội thất cùng với hoạt động của hệ thống điều hòa, hơi ấm tỏa ra từ người ngồi trong xe làm xuất hiện hơi nước ngưng tụ trên bề mặt kính. Điều này làm cản trở tầm nhìn của tài xế, gây khó khăn cho việc điều khiển xe. Một số kinh nghiệm được tổng hợp từ các “tài già” cũng như chuyên gia trong lĩnh vực ô tô sẽ giúp các lái xe khắc phục được hiện tượng hơi nước làm mờ kính.
Kính lái, kính cửa sổ hai bên của xe bị mờ xuất phát từ sự chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong khoang lái
1. Bật điều hòa lạnh
Một số người có suy nghĩ sai lầm là bật điều hòa nóng thì hơi nước sẽ hết nhưng thực tế thao tác đó sẽ khiến kính bị mờ thêm. Giải pháp chính xác là bật điều hòa lạnh để hút hơi ẩm, từ đó kính sẽ hết mờ trong vài phút. Có thể để nhiệt độ cao phù hợp với người ngồi trong xe nhưng nhất thiết phải là chiều lạnh (A/C).
Một hiện tượng không hiếm gặp là kính vẫn bị mờ khi bật điều hòa lạnh, tuy nhiên đây là hiện tượng kính mờ bên ngoài do bên trong kính lạnh mà thủ phạm chính là gió lạnh từ các cửa hướng gió điều hòa. Giải pháp đơn giản là không để các hướng gió lạnh hướng vào kính lái và kính hai bên.
2. Bật quạt gió và lấy gió ngoài
Khi đó cần để luồng gió này tập trung thổi vào kính lái. Cách này cũng không hiệu quả cao nếu trong xe chở nhiều người.
3. Bật sấy kính
Đây là cách làm hiệu quả nhưng không triệt để. Việc sấy kính sẽ khiến kính hết mờ ngay nhưng thực tế các lái xe thường chỉ bật trong khoảng vài phút khi kính hết mờ, và kết hợp cách thứ 4 là bật điều hòa lạnh.
4. Hạ kính
Một số lái xe có kinh nghiệm cho biết, trong trường hợp điều hòa hỏng hoặc có vè chắn mưa và trời mưa không lớn, lái xe có thể hạ kính mỗi bên khoảng 5-10 cm, đồng thời bật quạt gió để lưu thông khí trong và ngoài xe. Tuy nhiên cách này sẽ không áp dụng được diện rộng do nước bên ngoài có thể gây bắn bẩn trong xe, hiện tượng không được giải quyết triệt để.